Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Ốc nhồi hấp mẻ ngon đúng điệu

Trong tiết trời lành lạnh như hôm nay được thưởng thức một bát ốc nhồi hấp mẻ thơm phức chấm với nước mắm cay cay, chua ngọt  thì ngon hết xẩy.


 Nguyên liệu:
- Ốc nhồi : 1kg
- Mẻ : 1 bát con
- Gừng: 1 nhánh,
- Sả : 5 củ
- Lá chanh : 2g
- Ớt : 3 quả
- Gia vị mắm, đường, muối, bột ngọt

Cách làm ốc nhồi hấp mẻ như sau:

- Bước 1 : ốc nhồi mua về ngâm trong nước vo gạo, cắt vào vài lát ớt cho ốc nhanh nhả sạch nhớt.  Rửa sạch ốc, dùng bàn chải chà sạch sau đó vớt ra để ráo. Sả cây rửa sạch thái vát, ớt thái khoanh.Gừng đập dập.
- Bước 2 : Lót một lớp sả, lá chanh, gừng vào nồi sau đó cho ốc vào, cho 1 lớp sả, lá chanh lên ốc. Cho 1 bát con nước vào nồi, nêm ½ thìa cafe gia vị đậy nắp lại đun lên. Lưu ý không mở vung và trộn ốc khi chưa sôi.
- Bước 3 : Lọc mẻ lấy nước. Trộn cùng sả, ớt thái, gừng, 1 thìa đường, 1 thìa rưỡi nước mắm trộn đều. Khi ốc sôi đổ hỗn hợp trên vào nồi đảo đều trong khoảng 2 phút cho ốc ngấm gia vị rồi tắt bếp.

- Bước 4 : Ốc nhồi vớt ra trình bày ra bát.
Như vậy chúng ta đã hoàn thành món ốc nhồi hấp mẻ thơm ngon rồi. Thêm 1 bán nước chấm cay cay, chua ngọt rắc lên 1 một chút lá chanh thái nữa là hoàn hảo. Chúc các bạn ngon miệng!

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

Rau lang xào tỏi - đậm chất thôn quê!

Rau lang là một món ăn dân dã, quen thuộc với người Việt Nam. Từ nguyên liệu đến cách thực hiện đều rất đơn giản nhưng hương vị thì vô cùng thơm ngon. Vạn Bảo Ngọc sẽ hướng dẫn các bạn cách chế biến một đĩa rau lang xào tỏi hấp dẫn cho ngày đông. Rau lang xào tỏi là món ăn được yêu thích bởi vị giòn mặn ngọt vừa miệng hòa quyện cùng mùi thơm của tỏi.


Để chế biến món rau lang xào bạn chỉ cần chuẩn bị những nguyên liệu rất đơn giản:
- Rau khoai lang.
- Tỏi băm, ớt.
- Hạt nêm, muối, mì chính.
- Dầu ăn


Cách thực hiện :
- Bước 1 : Rau Lang nhặt bỏ phần lá già, giữ phần ngọn non rửa sạch để ráo.  Đun sôi một nồi nước trần qua rau lang sau đó vớt ra ngâm trong nước lạnh khoảng 3 phút rồi vớt ra để ráo. Cách này giúp rau xào giòn và xanh.
- Bước 2 : Tỏi bóc vỏ đập dập, băm nhỏ. Đun nóng chảo sau đó cho dầu ăn vào. Dầu sôi cho tỏi băm vào phi thơm sau đó cho rau lang vào đảo đều. Nêm hạt nêm, muối, mì chính cho vừa miệng đảo đều rồi tắt bếp
- Bước 3 : Trình bày ra đĩa. Cho thêm vài lát ớt để gia tăng hương vị
Rau lang xào tỏi chấm mắm ớt hoặc nước tương sẽ đem lại sự hòa quyện tuyệt vời đậm chất thôn quê!
Chúc các bạn thành công!
x

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

Ếch chiên bơ tuyệt ngon cho ngày đông!

Thịt ếch dai ngọt được chiên với bơ thơm ngậy, thơm lừng quyến rũ là điểm đặc biệt của món ếch chiên bơ. Đây là món ăn khoái khẩu không chỉ của các em nhỏ mà cả người lớn cũng đều yêu thích.


Nguyên liệu:
- Thịt ếch: 500g (đã sơ chế sạch)
- Bơ: 100g (lưu ý là loại bơ vàng thơm ngon nhé)
- Tỏi băm: 50g.
- Hành tây: 100g
- Mật ong: 2 thìa.
- Gia vị: Hạt nêm, bột ngọt, nước mắm, tiêu bột, dầu ăn, muối.
- Tiêu xay: 20g

Cách thực hiện:
- Bước 1: Thịt ếch rửa sạch với muối loãng sau đó rửa lại nước lạnh, để ráo. Ướp thịt ếch cùng mật ong,hạt nêm, 1 thìa nước mắm, nửa thìa bột ngọt, nửa thìa tiêu, 1 thìa dầu ăn trong vòng 1 giờ. Hành Tây thái nhỏ ngâm nước có pha chanh hoặc giấm khoảng 5p cho bớt hăng rồi để ráo.
- Bước 2: Đun nóng chảo sau đó cho bơ vào chiên chảy. Cho thịt ếch đã tẩm ướp vào chảo chiên với bơ trên lửa nhỏ. Khi thịt ếch đã chín đều, vàng rộm 2 mặt cho hành tây vào đảo thêm đến khi hành tái chín thì tắt bếp.
- Bước 3: Trình bày ra đĩa. Có thể dùng thêm cùng nước mắm chanh tỏi hoặc tương ớt và sốt mayonnaise để món ăn thêm phần đậm đậm hợp khẩu vị hơn.
Chúc các bạn thành công với món Ếch chiên bơ!
x

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Dê tái chanh - Món dê đầu bảng

Thịt dê được sử dụng để chế biến thành nhiều món khác nhau nhưng trong đó Thịt Dê tái chanh được xếp đầu bảng. Món Dê tái chanh có hương thơm quyến rũ, màu sắc bắt mắt, vị nhẹ nên phù hợp với hầu hết tất cả mọi người. Hôm nay. bếp Vạn Bảo Ngọc xin hướng dẫn cho các bạn cách chế biến một đĩa dê tái chanh thơm ngon cho 6 người ăn.


Nguyên liệu :
Thịt dê tươi : 0,3kg
Sả cây : 50g
Chanh quả : 100g
Vừng vỏ : 10g
Giềng xay: 50g
Tỏi băm: 1 củ
Lá sung: 50g
Lá chanh : 0,2g
Rau ngổ : 30g
Rau thơm : 100g
Lá mơ : 20g
Dứa quả :200g
Chuối xanh : 300g
Dưa chuột : 300g
Cà rốt : 200g
Sung quả : 300g
Bánh đa nem : 10 cái
Tương bần : 0,2 lít
Gừng củ : 100g
Ớt kim : 0,2g

Cách chế biến :
- Bước 1 : Thịt dê hấp cách thủy gần chín mang ra thái mỏng. Sả cây rửa sạch, thái mỏng. Giềng xay nhỏ. Tỏi băm, lá chanh thái chỉ. Rau thơm các loại rửa sạch để ráo sau đó bày lên đĩa. Chuối, cà rốt, dưa chuột, dứa thái con trì vừa miếng
- Bước 2 : Cho thịt dê thái mỏng cùng các gia vị giềng, sả, tỏi, lá chanh, vừng vỏ, bột ngọt, muối, đường, chanh quả vào trộn đều các gia vị cho ngấm rồi bày lên đĩa
- Bước 3 : Pha tương bần với gừng, ớt, đường. Trình bày đẹp mắt
Như vậy chúng ta đã hoàn thành các bước để có món Dê tái chanh ngon miệng, đẹp mắt. Chúc các bạn thành công!

x

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Cách thực hiện món Đậu Vạn Bảo Ngọc

Đậu Vạn Bảo Ngọc là món ăn đặc biệt chỉ có tại Vạn Bảo Ngọc. Món ăn này được chính tay các đầu bếp lâu năm tại nhà hàng nghiên cứu và chế biến ra.  Điểm đặc biệt làm nên hương vị hấp dẫn riêng biệt của Đậu Vạn Bảo Ngọc với các món đậu khác là được chế biến từ nước đậu tươi, trứng gà ta, bột tổng hợp và các gia vị khác.


Nguyên liệu:
Nước đậu: 2 lít
Trứng gà ta: 20 quả
Ruốc: 0,3kg
Ớt xanh, đỏ:0,5kg
Bột tổng hợp: 1kg
Dầu ăn: 2 lít
Bột ngọt: 200g
Hạt nêm: 50g
Tiêu xay: 10g


Cách chế biến:
Bước 1: Cho nước đậu vào nồi to. Đập trứng gà, hạt nêm, bột ngọt, tiêu xay vào đánh đều. Sau đó cho ra khay mang đi hấp cách thủy trong vòng 20 phút. Bắc ra để nguội.
Bước 2: Đậu cắt miếng vừa ăn. Dùng bột tổng hợp làm bạt bao lăn bên ngoài miếng đậu.
Bước 3: Cho dầu vào chảo đun nóng đến 100 độ C. Cho đậu đã bao bạt bột vào chiên đến khi lớp bạt bột vàng giòn. Vớt đậu để ráo rồi cho ra đĩa.
Bước 4: Trình bày đậu Vạn Bảo Ngọc ra đĩa với ớt xanh đỏ và ruốc. Chấm với nước sốt chua ngọt.
Chỉ trong một miếng đậu ta có thể cảm nhận được hai thái cực ,vị giòn hơi dai của vỏ, vị mềm mịn của nhân đậu bên trong nhưng vẫn liên kết với nhau bằng một hương vị thanh đạm, thơm ngon thống nhất khiến cho món Đậu Vạn Bảo Ngọc trở nên thơm ngon hấp dẫn.
Chúc các bạn thành công!

Nem Dê – thơm ngon, lạ miệng

 Vạn Bảo Ngọc xin giới thiệu cho các bạn cách thực hiện món Nem dê thơm ngon, lạ miệng. Cách chế biến tương tự như các món nem rán khác song thịt dê là nguyên liệu chính làm nên thương hiệu của món nem dê. 
 Nguyên liệu:
- Thịt dê tươi: 0.3kg
- Cà rốt: 100g
- Rau thơm: 200g
- Gia vị: bột ngọt, tiêu, hạt nêm
- Bánh đa nem: 20 cái
- Nấm hương: 10g
- Tỏi khô: 10g
- Hành khô: 10g
- Sữa: 10ml
- Tương ớt : 5g
- Mayonnaise : 50g




Cách thực hiện :
 - Bước 1: Thịt dê băm nhỏ. Cà rốt thái hạt lựu. Hành, tỏi băm nhuyễn. Nêm gia vị, hạt - nêm, tiêu, bột ngọt.
 - Bước 2: Trộn các loại thực phẩm đã sơ chế ở bước 1 vào với nhau. Mang đi cuốn với bánh đa nem thành từng miếng tròn vừa miếng
 - Bước 3: Mang nem đi chiên giòn. Khi nào nem chuyển màu vàng đều đẹp mắt thì vớt ra để ráo. Trình bày ra đĩa, chấm kèm tương ớt và sốt mayonnaise 

Nem dê giòn giòn với nhân thịt dê thơm ngon kết hợp cùng tương ớt cay cay và sốt mayonnaise béo ngậy sẽ là sự kết hợp vô cùng hoàn hảo cho bữa cơm gia đình. 
Chúc các bạn thành công!

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Hương vị đậm đà của món thịt rang mắm tép

Trong những ngày thời tiết đầu đông, thịt rang mắm tép đã trở thành món ăn quen thuộc trên mâm cơm gia đình. Vào bếp cùng Vạn Bảo Ngọc hôm nay sẽ chia sẻ với các bạn công thức nấu món ăn thơm ngon này.

Nguyên liệu chế biến món Thịt rang mắm tép cho 4 người ăn như sau:
- Thịt nạc vai 500gr
- Mắm tép
- Hành khô, hành lá, rau mùi, dưa chuột và cà chua (để trang trí)
- Gia vị
Cách chế biến:
- Hành khô bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ rồi cho vào chảo dầu phi thơm để có màu thật vàng.
- Cho thịt đã rửa sạch, thái miếng vừa ăn vào xào đến khi thịt săn chắc lại.
- Thêm khoảng 4 thìa mắm tép.
- Tiếp tục đảo đều cho thịt ngấm và để lửa nhỏ liu riu tầm 10 phút.
- Thịt ngấm thì cho thêm 1 thìa nhỏ đường.
- Tiếp tục đảo đều đến khi gần được thì cho thêm hành lá và một ít mì chính vào rồi tắt bếp.
- Trang trí thêm rau mùi, cà chua, dưa chuột cho món ăn thêm đẹp mắt.
Miếng thịt mềm hòa quyện với vị đậm đà, thơm ngậy của mắm tép ăn cùng bát cơm nóng thật là ngon miệng vô cùng. Chúc các bạn thành công!
x

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Khu nghệ thuật & ẩm thực Vạn Bảo Ngọc địa điểm tổ chức tiệc cưới tuyệt vời!

Bạn đang băn khoăn tìm một địa điểm cưới tại Ninh Bình? Hãy đến với khu nghệ thuật & ẩm thực Vạn Bảo Ngọc để có một buổi tiệc cưới đáng nhớ!



Bất cứ ai cũng đều mong muốn tổ chức một buổi tiệc cưới hoàn hảo để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng các quan khách. Bên cạnh đó, việc chọn địa điểm tổ chức đám cưới vừa sang trọng, không gian rộng rãi, món ăn ngon và phục vụ chuyên nghiệp, trọn gói mà lại phù hợp với khả năng kinh tế của mình cũng là một điều không hề đơn giản. Khu nghệ thuật & ẩm thực Vạn Bảo Ngọc sẽ là một nơi lý tưởng tại Ninh Bình có thể đáp ứng tốt những yêu cầu đó cho ngày vui của bạn.



Đặc biệt hơn nữa,Vạn Bảo Ngọc còn có một khu vực đỗ xe mênh mông có thể chứa rất nhiều ô tô và xe máy ngay khu vực trước lối vào khu dự tiệc rất tiện lợi cho quý khách.

Và để đáp lại sự tin tưởng cũng như yêu quý của khách hàng, Vạn Bảo Ngọc luôn chú ý sáng tạo trong việc dàn dựng, sắp xếp chương trình lễ cưới theo nghi lễ truyền thống và mới mẻ sao cho thật long trọng và chuyên nghiệp và đặc biệt là làm hài lòng khách hàng.

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Rau muống chiên giòn

Rau muống là một loại rau dân dã, quen thuộc trong  bữa cơm của người Việt. Rau muống có thể chế biến thành các món luộc, xào, nộm, nấu canh…Hôm nay, ẩm thực Vạn BảoNgọc xin giới thiệu đến các bạn món rau muống chiên giòn.



Để làm món rau muống chiên giòn rất đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị các nguyên liệu sau:
Rau muống : 1 mớ
Trứng gà : 1 quả
Bột chiên giòn
Gia vị: Nước mắm, đường, chanh, ớt, dầu ăn.

Cách làm
 Rau muống nhặt sạch, bỏ lá, rửa để ráo nước rồi cắt khúc. 
Trộn trứng gà với bột chiên giòn và 1/2 chén nước đánh đều. Sau đó cho rau muống vào trộn đều.
Cho dầu vào chảo đun sôi rồi cho rau muống tẩm bột  vào chiên vàng.
Pha nước chấm gồm: Nước cốt chanh, nước mắm, đường, ớt  sao cho có độ chua ngọt vừa ăn.
Món rau muống chiên giòn phải ăn nóng mới ngon!


Chúc các bạn có bữa ăn ngon miệng!
x

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Nấu ốc chuối đậu thơm ngon cho ngày se lạnh

Ốc nấu chuối đậu là món ăn ưa thích của người miền Bắc nhất là vào những ngày thời tiết se lạnh. Đây là món ăn dân dã, quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết cách nấu ốc chuối đậu thơm ngon đúng điệu. Hôm nay, ẩm thực Vạn Bảo Ngọc xin chia sẻ cách nấu món ốc chuối đậu để các bếp tham khảo.


Nguyên liệu 
Ốc nhồi: 1kg
Thịt ba chỉ: 200g
Đậu phụ: 2 miếng
Chuối xanh: 5 quả
Cà chua: 1 quả
Nghệ: 1 củ
Mẻ: 1/2 bát con
Mắm tôm: 1/2 thìa cà phê
Hành khô, tỏi khô vừa đủ
Lá lốt, lá tía tô, hành lá
Dầu ăn

Cách làm:
1.Sơ chế
Đầu tiên, bạn cần làm sạch ốc. Khi mua ốc về bạn cần ngâm nước để ốc nhả hết chất bẩn. Để ốc nhả chất bẩn nhanh và tốt nhất thì bạn nên ngâm nước gạo. Sau đó thì bạn luộc ốc và khêu lấy phần thịt.
Tuy nhiên, để có được món ốc thơm, giòn không bị dai thì bạn nên nấu ốc sống. Để lấy phần thịt ốc sống, bạn dùng dao chặt phần đuôi ốc rồi dùng mũi dao cậy miệng ốc và khêu lấy phần thịt. Sau khi khêu xong, bạn cần bóp ốc với muối và dấm cho hết nhớt rồi rửa sạch.
Khi có phần thịt ốc thì bạn ướp với gia vị và hành tỏi băm nhỏ.
Chuối gọt vỏ, cắt khúc bổ làm bốn hoặc thái miếng vát mỏng tùy theo cách bạn muốn nấu rồi ngâm với nước muối pha loãng cho khỏi thâm. Sau đó, bạn cho chuối vào luộc sơ rồi vớt ra để ráo nước.
Thịt ba chỉ bạn có thể thái con chì hoặc thái miếng vừa ăn. Sau đó, bạn ướp thịt cùng gia vị và hành khô băm nhỏ.
Đậu phụ bạn đem thái miếng vuông rồi đem rán vàng.
Cà chua rửa sạch, thái miếng cau. Hành, tía tô,lá lốt bạn đem rửa sạch, thái nhỏ. Hành tỏi khô bóc vỏ, băm nhỏ. Mẻ bạn cho vào bát, đổ thêm nước vào, khuấy lên cho tan và lọc lấy phần nước. Nghệ giã lọc lấy nước.
2.Chế biến
Đầu tiên, bạn phi thơm hành tỏi rồi cho ốc vào xào chín.
Tiếp theo, bạn xào cho thịt ba chỉ săn vàng, sau đó cho cà chua, chuối vào xào cùng nêm thêm gia vị cho vừa miệng, sau đó cho nước mẻ lọc trộn cùng mắm tôm và nước nghệ, thêm chút nước cho xâm xấp thịt và chuối. Bạn đun sôi lên rồi vặn nhỏ lửa, cho đến khi thịt và chuối chín mềm thì bạn cho đậu rán vào đun một lúc.  Tiếp đó mới cho ốc vào, nêm thêm gia vị cho vừa miệng, sau đó bạn đun sôi trở lại rồi cho tía tô, lá lốt, hành lá thái nhỏ vào, dùng đũa trộn đều lên và tắt bếp.
3.Thành phẩm
Món ốc chuối đậu đạt yêu cầu là ốc chín tới, giòn nhưng không giai, chuối chín mềm, không bị nát. . Nước canh có vị ngọt đậm đà, hơi sánh, quyện lẫn mùi thơm của lá lốt và tía tô. Món này mà ăn nóng với cơm hoặc bún
Chúc các bạn thành công với món ăn này!!!

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Lạ miệng với cua đồng rang muối

Cua đồng rang muối là một món ăn dân dã, dễ làm nhưng có hương vị rất khác lạ và hấp dẫn. Đây không chỉ là một món nhậu khoái khẩu mà khi ăn với cơm cũng rất ngon, lạ miệng.
Đến với Ninh Bình, thực khách đừng quên thưởng thức món cua đồng Gia Viễn rang muối tại không gian gần gũi với thiên nhiên nhưng không kém phần sang trọng, lịch sự của ẩm thực Vạn Bảo Ngọc. Món cua đồng rang muối vừa có vị giòn tan của cua đồng Gia Viễn, vừa có mùi thơm của lá lốt, vị cay cay của ớt đỏ.


Chế biến món cua đồng rang muối bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
– 500g cua đồng
– Bột chiên giòn
– Hành tỏi khô, sả, lá lốt
– 30g gạo nếp
– 30g đỗ xanh
– Muối tôm hoặc muối ớt, muối tinh, mắm, dầu ăn.
Cách thực hiện món cua đồng rang muối:
Đầu tiên, bạn cần rửa sạch cua, để ráo nước, lột bỏ mai và yếm. Sau đó, ướp cua khoảng 15 phút với một chút nước mắm, muối tôm và hành, tỏi khô, sả băm nhỏ.
Tiếp theo, rang đỗ xanh, gạo nếp cho chín vàng, rồi trộn với một chút ít muối, cho vào máy xay nhỏ. Phi hành khô cho giòn rồi vớt ra bát. Lá lốt cũng chiên giòn rồi vớt ra để riêng.
Sau đó, cho bột chiên giòn vào bát cua, xóc cho bột bám đều. Rồi, cho dầu vào chảo đun nóng rồi cho cua vào chiên ngập dầu đến khi chín vàng, giòn đều thì vớt ra, để ráo.
Cuối cùng, bóp vụn lá lốt chiên giòn, trộn với hỗn hợp muối gạo nếp, đỗ xanh đã xay, hành phi. Sau đó trộn với cua chiên và xóc nhẹ cho muối bám đều vào cua.
Thành phẩm:
Cua đồng rang muối với màu vàng ươm bắt mắt, hương vị đậm đà thơm ngon, giòn tan khi ăn. Khi ăn chấm cùng tương ớt cay hoặc muối chanh ớt đều ngon.
Vạn Bảo Ngọc chúc các bạn thành công với cách làm cua đồng rang muối tuyệt ngon này nhé!

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Thưởng thức món miến lươn Ninh Bình

Không chỉ nổi tiếng với thịt dê, cơm cháy, đến với mảnh đất cửa ngõ cực Nam của miền Bắc, bạn còn được thưởng thức món miến lươn đặc sản ở ngay trung tâm thành phố.

Cũng chỉ làm từ miến và lươn nhưng miến lươn gia truyền ở Ninh Bình lại ngon nổi bật, khác biệt với những vùng miền khác ở nồi nước dùng. Nước dùng muốn ngon phải được nấu từ chính xương lươn, sau khi lọc thịt, xương lươn không vứt bỏ mà cho vào nồi nước dùng, ninh cùng xương ống thật lâu, vớt bọt liên tục để nước giữ được độ trong cũng như vị béo tự nhiên.Thịt lươn lại được rim theo công thức riêng nên khi ăn thấy lươn thơm, béo ngọt mà không hề có mùi tanh. Cũng nhờ vậy, khi bát lươn được bưng ra thấy nước dùng màu nâu đậm, đặc sánh vô cùng ngon mắt, đậm miệng.




Để có được bát miến lươn ngon, cái khó nhất là làm sao lựa chọn được những mớ lươn có chất lượng cao. Lươn được chọn phải là lươn cốm, con hơi nhỏ một chút nhưng trông qua thấy béo khỏe, lưng màu nâu hồng, bụng vàng rộm mới chuẩn. Sau khi đã chọn lựa được những con lươn ngon nhất thì việc làm lươn cũng vô cùng quan trọng, tốn khá nhiều thời gian. Cần phải làm sạch lươn để đảm bảo không có nhớt, xẻ lươn một cách cẩn thận để moi ruột và thân lươn không bị nát. Sau  khi moi ruột phải ướp lươn một cách tỉ mỉ theo đúng thời gian để món lươn mang lại mùi vị ngon nhất.





Điểm khác biệt nữa là miến lươn Ninh Bình còn được ăn kèm với hoa chuối bánh tẻ, thái sợi còn tươi nguyên cùng một số loại rau khác. Ngoài ra miến cũng cần chọn loại được chế biến từ củ dong ta nguyên chất, không pha tạp, có sợi nhỏ đều, trong suốt. Miến rong đem rửa sạch trần sơ qua nước sôi, rồi nhúng lại vào nồi nước cho miến nở, thấm đượm hương thơm vị đậm đà của nước dùng rồi cho vào bát.

Nhiều khách du lịch khi đến đây có cảm giác ngậm ngùi tiếc nuối vì chỉ được thưởng thức “tại trận” mà không thể mang về. Sợi miến dai, thịt lươn tuy nhỏ nhưng rất chắc và thơm, nước dùng đậm đà cùng vị thơm của hoa chuối sẽ làm bạn phải nhớ mãi về thức quà quê bình dị mà nghĩa tình này. Ngoài miến lươn, các quán thường bán kèm món bánh đa cá rô đồng cũng ngon không kém phần.

Nếu muốn tìm ăn miến lươn gia truyền, ngon nhất nhì ở thành phố Ninh Bình, bạn hãy tìm đến các quán trên đường Trần Hưng Đạo, Hoàng Diệu... để thưởng thức.

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Cách làm món ngô chiên thơm ngậy

Ngô chiên là món ăn được mọi người yêu thích, sau khi chiên xong hạt ngô có lớp vỏ vàng giòn nhưng bên trong vẫn mềm ngọt, mùi vị thơm.
Cùng ẩm thực Vạn Bảo Ngọc vào bếp làm món ngô chiên:

 1. Nguyên liệu
- Ngô ngọt
- Bột lion, bột bắp, bột chiên giòn, bột năng
- Bơ
- Trứng gà: 1 quả

2.Cách làm
- Tách ngô thành hạt, rửa sạch ngô, sau đó đun sôi hốn hợp gồm: nước + đường + muối. cho ngô vào luộc, sau khi sôi 2 phút thì đổ ngô ra rổ, nhanh tay xả qua nước lạnh, để ráo.
- Chuẩn bị bột để chiên ngô: Bột sư tử + bột bắp + bột chiên giòn + bột năng theo tỉ lệ 1:1 ( bột sư tử chỉ cần 1 ít) trộn đều.
- Trứng gà đập ra bát, đánh tan, trộn đều với ngô, sau đó cho ngô vào bát, đổ bột vào trộn cho bột bám đều từng hạt ngô.
- Đun dầu nóng già rồi đổ ngô vào chiên đến khi lớp vỏ vàng giòn, căng phồng là được, xắt miếng bơ nhỏ cho vào chảo khi sắp vớt ngô ra. Ngô chiên xong vớt ra đĩa có lót giấy thấm dầu cho ráo bớt dầu ăn kèm với tương ớt.


Chúc các bạn thưởng thức món ngô chiên ngon miệng!

Khu nghệ thuật ẩm thực Vạn Bảo Ngọc điểm dừng chân ở Ninh Bình

Hãy đến để cảm nhận sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng cho Vạn Bảo Ngọc Garden một khoảng trời đầy bình an và sự kết hợp hài hòa giữa không gian và món ăn sẽ tạo cho thực khách một cảm giác đầy thư giãn giữa lòng thành Phố Ninh Bình.




Vị trị địa lý thuận lợi cũng như không gian rộng rãi, thoáng mát và yên tĩnh, có chỗ đỗ xe an toàn, thuận tiện, không gian tĩnh lặng bởi vẻ đẹp thuần Việt đan xen với nét đẹp hiện đại.

Ẩm thực Vạn Bảo Ngọc luôn đặt chất lượng món ăn cũng như tiêu chuẩn chế biến lên hàng đầu. Với đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, tài nghệ nấu ăn ngon và nhiều năm kinh nghiệm của đầu bếp sẽ mang đến cho Thực khách những thực đơn hấp dẫn, mới lạ,đẹp mắt, không chỉ ngon miệng mà còn đảm bảo khâu an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả phải chăng. Vạn Bảo Ngọc mong muốn sẽ được dẫn dắt thực khách đến để trải nghiệm những món ăn Thuần Việt khi đã từng chân nơi đây.




Ẩm thực Vạn Bảo Ngọc sẽ là nơi hứa hẹn và đem lại những kỉ niệm khó quên trong những ngày trọng đại như tiệc cưới, hội nghị, sinh nhật... Liên hệ đặt tiệc: Số 86 - Đường Lương Văn Tụy - Khu phố Tân Thịnh - Phường Tân Thành - Ninh Bình. Số điện thoại: 0901.781.234

Đặc sản ít được nhắc đến ở Ninh Bình


Nói về ẩm thực NinhBình, thực khách sẽ nghĩ ngay tới món gà đồi, cơm cháy, dê núi, rượu Kim Sơn mà ít ai biết Ninh Bình còn rất nhiều đặc sản,những món ăn độc đáo, hấp dẫn khác như mắm tép Gia Viễn, lợn cắp nách Nho Quan, nem Yên Mạc, rượu Yên Lâm, bánh đa chợ Lồng, ốc núi Yên Mô; món xôi trứng kiến hay đĩa ong rừng rang giòn kết hợp với chén rượu cần ở Nho Quan, món cá tràu tiến Vua ở Hoa Lư, quả dứa ngọt thơm Đồng Giao-Tam Điệp … Những món đặc sản ẩm thực nổi tiếng và quý hiếm đó luôn là điểm hấp dẫn du khách khi về thăm Ninh Bình .

Mắm tép Gia Viễn
Là huyện đồng chiêm trũng, nên người dân Gia Viễn có nghề riu tép từ lâu. Người ta dùng tép riu để làm mắm, gọi là mắm tép. Tép riu phải là tép già, thân tròn, nhỏ con, màu xanh lam. Điều quan trọng nữa là tép phải tươi, đem rửa sạch, để khô.
Sau đó lấy thính gạo rang vàng, giã nhỏ, cùng với muối trộn đều với tép theo tỷ lệ, bỏ vào hũ, có thể đổ thêm ít nước đã đun sôi để nguội, rồi bịt kín, để từ một tháng trở lên mới đem nấu chín ăn. Bát mắm tép được múc ra màu đỏ tươi, có mùi thơm ngọt, rất hấp dẫn. Người ta có thể rang mắm tép với thịt ba chỉ. Ăn mắp tép Gia Viễn không cần cho thêm bột ngọt, vẫn có vị ngon ngọt, đậm đà. Ngày nay mắm tép Gia Viễn đã trở thành món ăn đặc sản của các bữa tiệc khi có thêm đĩa rau luộc ngon.

"Lợn cắp nách"
Giống lợn này nhỏ con, thường nuôi ở vùng miền núi Nho Quan, đặc biệt là ở đồng bào người dân tộc, nuôi nửa năm trở lên, con trưởng thành cũng chỉ nặng hơn chục kg. Khác hẳn loại lợn bị còi cọc, sài đẹn, loại lợn này chân nó nhỏ nhắn, săm sắn, tai cũng nhỏ, da lông thì dày đen, bụng nhỏ hơn lợn thường. Nó sống ở ngoài trời mặc mưa gió đêm ngày, thức ăn là ngô, khoai, sắn, rau củ... dù bị đói mấy ngày vẫn khoẻ khoắn nhanh nhẹn. Nó có sức đề kháng với bệnh tật môi trường rất cao để tồn tại, phát triển. Du khách rất thích đặc điểm này và coi đây không chỉ là món ăn đặc sản mà còn là một vị thuốc bổ dưỡng rất quý.

Nem Yên Mạc

Nem Yên Mạc gói bằng lá chuối, nhưng không bó chặt, bên trong được lót bằng lớp lá ổi tàu. Dù ăn ngay hay để lâu, khi gỡ nem ra, vẫn rời, tơi, cho lên đĩa, gắp từng dúm nhỏ, lấy lá ổi cuộn lại chấm với nước mắm, pha chút chanh, tỏi, ớt hoặc hạt tiêu thì người ăn sẽ cảm nhận đủ các dư vị ngọt, cay, thơm. Hiện ở Yên Mạc và một số hộ ở vùng phụ cận Yên Nhân, Yên Mỹ đều làm loại nem này. Nếu muốn làm được nem ngon mà vẫn đảm bảo được an toàn vệ sinh cũng phải kỳ công. Thịt lợn phải chọn thịt mông, vai, khi vừa xẻ con lợn ra - sờ miếng thịt còn nóng, màu phải hồng tươi và nhất thiết phải là thịt loại lợn khoẻ không có bệnh tật, phải lóc tỉa hết mỡ, gân, lọc bì ra đem luộc thật chín. Thịt nạc thì phân mảnh, thái đều, mỏng, giã tỏi và cho rượu ngon ướp vài ba giờ. Riêng bì, luộc xong vớt ra để nguội, lát mỏng như giấy, thái nhỏ như tăm. Chuẩn bị đầy đủ mới đem thính, thịt, bì và các gia vị cần thiết trộn đều rồi gói lại. Lúc trộn phải nhẹ tay sao cho thính và gia vị ngấm đều, nem tơi, sắc vẫn tươi hồng.

Đến Ninh Bình, quý khách đừng quên thưởng thức những món thơm ngon, độc đáo tại không gian gần gũi với thiên nhiên Ẩm thực Vạn Bảo Ngọc!

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

Đặc sản dê núi Ninh Bình

Hoa Lư có lợi thế nhiều đá vôi, núi chạy ngang, dọc, núi dựng trường thành. Trên núi các thảm thực vật phát triển mạnh, là thức ăn phong phú cho dê. Nơi đây chính là điều kiện lý tưởng để dê núi phát triển. Những chú dê được chăn thả tự nhiên, hàng ngày leo chèo trên những vách đá lởm chởm, dựng đứng, ăn lá cây và chiều tối cả đàn lại dẫn nhau về hang ngủ. Với đặc trưng săn chắc, ít mỡ và có vị thơm, dê núi Ninh Bình đã trở thành đặc sản mà không nơi nào có được.
Nghề nuôi dê phổ biến từ lâu đời ở đất Ninh Bình, nên kinh nghiệm chọn thịt dê ngon thì người Ninh Bình rất rõ. Con dê nặng khoảng 15 đến 20kg, hoặc nhiều nhất là 25kg mới được dùng để chế biến, vì ở mức này, thịt dê ngọt, không quá dai và cũng không quá mềm. Trải qua thời gian cùng với sự biến tấu của các gia vị và nguyên liệu hiện nay thịt dê núi được người dân địa phương chế biến thành khoảng hơn 20 món ăn khác nhau, tiêu biểu là:
1. Dê ủ trấu
Dê núi sau khi cắt tiết được cạo lông sạch sẽ, nhồi lá sả vào bụng. Phủ trấu lên toàn thân dê và đốt rơm để mồi lửa. Nhờ hơi nóng của trấu, thịt dê sẽ chín om, da vàng rộm, tạo ra món tái đúng nghĩa. Dê ủ trấu thành phẩm không chín hoàn toàn, không mất nước, khi thái thịt xoăn thành từng lọn nhỏ ăn mềm, ngọt.
2. Chân dê hầm thuốc bắc
Chân dê cạo sạch, đem trần qua nước nóng rồi chặt miếng vừa ăn. Khi ninh cho gói đồ tiềm, hành tím và gia vị vào đun nhỏ lửa. Khi nước săm sắp mặt thịt là có thể đem ra dùng nóng. Nước hầm chấm rau và ăn kèm với bún rất hợp với tiết lạnh hoặc những ngày mưa.

3. Dê hấp
Thịt dê có thể hấp cùng tía tô hoặc sả. Khi ăn chấm với nước tương bần có pha thêm chút đường, ăn kèm sau gia vị, sung muối, khế, chuối, dứa rất thanh mát, hợp với ngày hè oi ả.
4. Nầm dê nướng
Vú dê mua về xắt mỏng, rửa sạch, để ráo, ướp cùng chao, tiêu xay, dầu hào, tương ớt, sả băm, tỏi, bột ngũ vị hương… cho ngấm mới đem đi nướng. Món ăn được phái mạnh ưa dùng trong những buổi lai rai tiệc rượu cùng bạn bè.
5. Dê nướng mọi
Thịt dê làm sạch, để ráo nước, thái miếng nhỏ vừa ăn. Trộn mè và thêm chút dầu ăn vào rồi đem nướng chín tới. Khi ăn lấy sa tế trộn chung với chao, ăn kèm tía tô, húng, quế… để cảm nhận hương vị mềm ngọt và thơm ngào ngạt của món ăn.
6.  Dê hầm ngũ vị
Dê xắt miếng vuông 3cm ướp cùng ngũ vị hương cho ngấm. Sau đó xào trên bếp cho thịt săn lại, đổ nước ninh nhừ cùng ít rượu trắng, khoai tây và cà rốt cho đến khi nước trong nồi còn sóng sánh là ăn được. Món ăn rất hợp với bánh mỳ, cơm nóng.
7.  Dê nướng ngũ vịThịt dê thái miếng vừa ăn, ướp với tỏi, sa tế, bột nêm, đường và ít dầu ăn. Để khoảng 15 phút cho ngấm sau đó xếp lên vỉ nướng trên bếp than hoa. Ngày lạnh thưởng thức dê nướng ngũ vị xì xèo bên cạnh bàn nướng cùng gia đình thì không gì bằng.
8.  Canh sơn dược thịt dê
Là bài thuốc bổ dưỡng dành cho các mẹ bầu, người mới ốm dậy. Món canh được nấu từ thịt dê nạc, sơn dược, cà rốt cùng các vị thuốc bắc như đương quy, câu kỳ tử, xuyên khung, hoàng kỳ, gừng, táo đỏ, rượu…
9. Dê xào lăn
Đun sôi một nồi nước nhỏ có pha dấm, cho thịt dê đã thái lát mỏng vào chần qua. Vớt thịt dê ra, rửa sạch lại, để cho ráo nước rồi ướp với nước cốt dứa, bột cà ri, bột canh, hạt nêm và một ít tỏi, gừng, sả. Xào cùng hành tây, tía tô, nêm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp. Múc ra đĩa, rắc hành phi và lạc rang lên trên rồi ăn nóng.
10. Dê xào sa tế
Thịt dê được ướp cùng sa tế, dầu hào, giấm, đường, sả, ớt, bột năng… Ướp khoảng 20 phút. Bắc chảo lên bếp, phi thơm hành tỏi, cho thịt vào xào nhanh trên lửa to. Nếu thích có thể xào cùng với hành tây, ớt ngọt. Món ăn dùng trong ngày lạnh rất tốn cơm.
11. Dê xào thập cẩm
Thịt dê, cần tây, củ cải đỏ, mộc nhĩ, giá đậu, hành, tỏi… tất cả nguyên liệu thái nhỏ dưới dạng hạt lựu, trộn thêm với bột năng, rượu trắng vừa đủ. Món ăn được xào trong lửa to, chín tới để thịt mềm, ngọt và các loại rau củ được giòn và đẹp mắt.
12. Dê xào sả ớt
Thịt dê chọn phần đùi trước hoặc đùi sau, thái miếng đẹp mắt và ướp cùng tỏi, sả, ớt, sau đó xào nhanh tay trong lửa to. Khi thịt còn tái thì cho ớt chuông vào xào cùng, ớt vừa chín tới là tắt bếp, lấy ra đĩa rắc thêm chút vừng rang và dùng nóng.
13. Dê né
Thịt dê thái hình quân cờ, to, không cần tẩm ướp gia vị. Miếng thịt sau khi chiên ngập trong dầu ăn sẽ giòn tan bên ngoài, tái hồng bên trong, kẹp cùng hương nhu, đinh lăng, húng, xả, chấm chao hoặc tương rất ngon.
14. Dê tái chanh
Nguyên liệu chủ yếu cho món dê này là thịt dê tươi, có phần nạc dày và phần da, dê xắt lát mỏng, nhúng qua nước sôi cho tái và bóp cùng nước cốt chanh, gừng, tỏi, ớt, tiêu, lá chanh thái sợi… khi ăn kẹp chuối xanh, sả, sung quả và chấm với tương bần rất hợp vị.

15. Cháo thịt dê
Thịt dê rửa sạch, để ráo, cắt mỏng, ướp muối, tiêu, mắm ngon, hành, gừng, phi thơm hành, xào chín tới. Gạo vo sạch, cho vào nồi đất ninh nhừ, gần được cho dê xào vào ninh cùng để thịt dê tiết ra vị ngọt. Khi ăn múc cháo ra tô, rắc thêm hành, rau thơm lên trên, ăn nóng. Món ăn có tác dụng bồi bổ sức khỏe rất tốt.
16. Cháo gan dê
Gạo tẻ ninh nhừ cho gan dê xào mỡ hành vào ninh, khi cháo nhừ bắc ra ăn nóng cùng hành hoa. Món ăn có tác dụng rất tốt cho người mắc bệnh yếu sinh lý do đái tháo đường.
17. Tiết canh dê
Tiết canh dê có vị ngọt, mát thường dùng để khai vị, được ăn kèm với rau húng quế, ngổ, tía tô, hạt tiêu, ớt tươi, rượu trắng.
18. Lẩu dê
Mùa lạnh, ngồi quây quần bên nồi lẩu dê cay cay, thơm mùi sả, hành và nước dùng đậm đà thì không gì bằng. Với món lẩu dê này, bạn có thể ăn kèm đậu phụ, các loại rau, váng đậu rán giòn… và nhâm nhi chén rượu Kim Sơn cay nồng.
19. Cà ri dê
Cà ri dê thơm lừng là món ăn hấp dẫn bất kỳ ai trong tiết trời lạnh giá. Không chỉ thơm mùi cà ri, món ăn còn chinh phục bạn bởi khoai và thịt mềm nhừ, thơm mùi cốt dừa và đậm đà vị dê.
20. Dê nhúng mẻ
Đầu tiên cho dầu ăn vào chảo nóng phi thơm hành tím, sả, cà chua, cho mẻ vào đun sôi, nêm gia vị vừa ăn. Khi ăn cho từng ít thịt dê vào nhúng tái, vớt ra đĩa, ăn tới đâu nhúng tới đó. Dê sau khi nhúng mẻ được ăn kèm với bún tươi, cuốn bánh tráng, khế, chuối xanh, dưa leo, rau sống và chấm mắm nêm rất đậm vị.
21. Nem dêNem dê là một món ăn mát, bổ. Cái vị nem dê chua chua ngọt ngọt, thơm nồng vị của núi rừng làm người ăn một lần sẽ khó có thể quên. Nem dê ăn cùng với lá sung, lá ổi, cùng với khế, quả chuối xanh, lá mơ, rau thơm chấm với tương gừng, khi ăn người ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt, cay, thơm lan toả./.
Nguồn: Trung tâm TTXTDL

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

Rượu Kim Sơn - Đặc Sản Ninh Bình

Vừa mở nút chai ra là ta đã cảm nhận được ngay cái đặc biệt hấp dẫn của hương nếp mới ngọt ngào, lan tỏa khắp phòng. Cánh mũi bỗng như mở rộng, phập phồng để tận hưởng cái nồng nàn, dịu mát và đầy quyến rũ của hương đồng gió nội.
Cùng chung vui, ta nâng chén lên, rượu lung linh, trong trẻo kề sát môi mềm, bốn mươi độ mà cứ dịu êm thơm thảo. Cái vị cay cay, tê tê nơi đầu lưỡi rồi râm ran cả vòm miệng làm ta có cảm giác lâng lâng, ngất ngây và bay bổng. Tửu lượng đã khá, tuy say sưa nhưng đầu không bị đau nhức, choáng váng. Chất men thơm cứ quấn quýt, nồng nàn lôi kéo ta vào cuộc. Tất cả những hương vị mà ta cảm nhận được như vậy chỉ thấy biểu hiện rõ nhất ở rượu Kim Sơn-một huyện miền biển Đông Nam của tỉnh Ninh Bình 
Rượu Kim Sơn là tên gọi một loại rượu được sản xuất từ huyện miền biển Kim Sơn thuộc tỉnh Ninh Bình. Rượu Kim Sơn thường có nồng độ cao, trong suốt, bọt tăm rượu càng to thì độ rượu càng cao. Trước đây, rượu được đựng trong các vò đất và nút lá chuối khô, rượu Kim Sơn khi uống vào cảm thấy rất thơm và êm dịu. Một đặc trưng của rượu là càng để lâu càng ngon. Đặc biệt rượu Kim Sơn có tác dụng rất tốt cho sức khỏe khi được ngâm với rắn, tắc kè, sao biển,bìm bịp .v.v. Cùng với những người Kim Sơn di cư, rượu Kim Sơn đã đi đến nhiều vùng của Việt Nam. Ngày nay rượu Kim Sơn đã được đóng chai và bán trên thị trường.Kim Sơn là một huyện miền biển duy nhất của tỉnh Ninh Bình, đây là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đạt năng xuất lúa 5 tấn/ha (Cùng với Hải Hậu củaNam Định và Tiền Hải của Thái Bình). Các địa danh trên cùng nằm trong khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng nên rất giàu tài nguyên thiên nhiên như thủy hải sản và lương thực. Đây là những vùng đất mở mới được khai hoang, lấn biển. Chính đặc điểm đó đã sản sinh và kích thích phát triển nghề nấu rượu trở thành các làng nghề truyền thống. Hiện nay có nhiều làng nghề chuyên về nấu rượu ở Kim Sơn như: Hòa Lạc, Ứng Luật .v.v. nhưng nhiều nhất và nổi tiếng hơn cả vẫn là nghề nấu rượu ở xã Lai Thành.
                                       
Lúa nếp gặt về phơi khô, hong sạch cho vào chum bảo quản để nấu rượu. Nếu rượu được nấu từ nếp chiêm gọi là rượu chiêm và rượu được nấu từ gạo nếp vụ mùa thì gọi là rượu mùa. Men rượu được làm bởi những gia đình có kinh nghiệm lâu đời tại địa phương nên rất thơm và khô. Để có men quý người ta cho vào đó một số dược liệu có tác dụng thông khí huyết, diệt khuẩn. Để có được rượu ngon người nấu phải có kinh nghiệm lâu năm, nhất là việc bảo quản ủ rượu trong các điều kiện thời tiết và môi trường khác nhau. Đặc điểm nguồn nước ủ rượu và nấu rượu cũng là nhân tố quan trọng quyết định độ ngon của rượu. Một nồi rượu tùy thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ có thể cho từ 5 - 11 lít rượu.


Nhưng để có rượu ngon đặc biệt với hương vị độc đáo không chỉ có vậy mà quan trọng hơn cần có những chủ nhân yêu nghề và khéo tay nấu rượu, bán rượu. Những cô gái Phát Diệm (thị trấn Kim Sơn) lại có làn da trắng ngần, mịn màng, đặc biệt đôi mắt huyền hao hao mắt Đức Mẹ, thẳm sâu mơ màng hút hồn viễn khách. Trong số họ có những người đi bán rượu rong khắp nơi. Tiếng mời chào của họ cũng nồng đượm ngọt ngào như rượu, ngân nga như chuông và chẳng hiểu từ bao giờ nơi đây người ta hay đọc lại câu ca thoảng nghe như lời thề "thủy chung với… rượu":

Còn trời, còn nước, còn non

Còn cô bán rượu anh còn say sưa!

 Có thể nói rượu Kim Sơn đã góp phần làm hấp dẫn thêm cái thú ẩm thực nhiều món đặc sản nổi tiếng của nơi sản sinh ra nó đó là món gỏi tôm, gỏi cá nhệch, cua bể luộc, chả rươi, tôm sú… Và đến lượt mình những đặc sản trên lại là người bạn thân cận, đồng hành và làm tôn vinh rượu Kim Sơn.


Phạm Biên

Nguồn: ninhbinh360.vn